Nguyên nhân Tràn máu màng phổi

Tràn máu màng phân loại thành ba loại lớn theo nguyên nhân theo thứ tự tần suất gặp phải: do chấn thương, do thầy thuốc hoặc không do chấn thương. Cả ba loại đều có thể ảnh hưởng đến các động mạch chính và dẫn đến tử vong do mất máu.[6]

Tràn máu màng phổi do chấn thương

Tràn máu màng phổi thường được gây ra bởi chấn thương thẳng hoặc xuyên thấu ở ngực.[7] Trong các trường hợp chấn thương mức độ nặng, tràn máu màng phổi thường xảy ra khi gãy xương sườn làm tổn thương các mạch máu gian sườn (còn gọi là mạch máu liên sườn) hoặc mạch máu trong nhu mô phổi. Trong bệnh cảnh chấn thương xuyên thấu, tràn máu màng phổi xảy ra do một loạt chấn thương ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu ở thành ngực, nhu mô phổi hoặc tim.[6] Nếu các mạch máu lớn như động mạch chủ bị tổn thương, lượng máu mất đi có thể rất lớn.[8] Chấn thương ngực mức độ nhẹ có thể gây tràn máu màng phổi khi khả năng đông máu giảm do bệnh nhân dùng thuốc chống đông hoặc khi có rối loạn chảy máu như bệnh hemophilia.[9]

Tràn máu màng phổi do thầy thuốc

Tràn máu màng phổi do thầy thuốc là một biến chứng của phẫu thuật tim và phổi, ví dụ: vỡ động mạch phổi do đặt catheter, phẫu thuật mở lồng ngực, chọc dò màng phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất là đặt catheter tĩnh mạch dưới đòn và dẫn lưu màng phổi, với tỷ lệ xảy ra khoảng 1% [6] Đôi khi catheter Swan-Ganz gây vỡ động mạch phổi và gây tràn máu màng phổi.[7] Tràn máu màng phổi do thầy thuốc cũng có thể do các thủ thuật khác như sinh thiết màng phổi, phổi hoặc sinh thiết xuyên phế quản, trong quá trình hồi sức tim phổi,[10] thủ thuật Nuss,[11] hoặc nội soi điều trị giãn tĩnh mạch thực quản.[10] Tràn máu màng phổi gây thiếu máu phổ biến hơn ở những người bị bệnh thận mạn tính trong phòng hồi sức tích cực.[7]

Tràn máu màng phổi không do chấn thương

Tràn máu màng phổi không do chấn thương có thể xảy ra một cách tự phát nhưng ít thường xuyên. Tràn máu màng phổi không do chấn thương thường xảy ra như một biến chứng của một số dạng ung thư nếu khối u xâm lấn khoang màng phổi.[10] Các loại ung thư gây ra tràn máu màng phổi bao gồm sacroma mạch (u mạch máu ác tính), u tế bào Schwann, u trung biểu mô, u tuyến ức, u tế bào mầmung thư phổi. Tràn máu màng phổi đáng kể có thể xảy ra do vỡ các mạch nhỏ tự phát khi khả năng đông máu của máu giảm do dùng thuốc chống đông máu.[9] Trong các trường hợp gây ra bởi liệu pháp chống đông máu, nguy cơ tràn máu màng phổi cao trong giai đoạn 4-7 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc chống đông máu. Trong trường hợp điều trị thuyên tắc phổi có biến chứng tràn máu màng phổi, tràn máu màng phổi thường ở phía bên của vị trí thuyên tắc ban đầu.[7] Những ca bệnh có sự tích tụ bất thường của không khí trong khoang màng phổi (tràn khí màng phổi) có thể chảy máu vào khoang, xảy ra trong khoảng 5% các trường hợp tràn khí màng phổi tự phát,[9] đặc biệt là khi vỡ kén khí.[12] Sự kết hợp giữa không khí và máu trong khoang màng phổi được gọi là tràn khí-tràn máu màng phổi.[9] Sự phát triển của xương trong quá trình tạo u xương lành tính có thể tạo ra các cạnh sắc nhọn làm tổn thương động mạch lân cận gây tràn máu màng phổi. Bà mẹ trong giai đoạn hậu sản cũng có thể bị tràn máu màng phổi không do chấn thương do sự thay đổi áp lực lồng ngực trong quá trình chuyển dạ.[12]

Mạch máu

Các nguyên nhân mạch máu của tràn máu màng phổi bao gồm vỡ động mạch chủ xuống, trong trường hợp này ban đầu nó liên quan đến vùng màng phổi trái và trung thất do vùng lân cận gần với khoang màng phổi. Hiếm khi vỡ động mạch chủ ngực gây tràn máu màng phổi, nhưng chảy máu thường xảy ra trong khoang màng ngoài tim.[9] Rách mạch máu tự phát có nhiều khả năng xảy ra hơn ở những người có các rối loạn làm thành mạch yếu, chẳng hạn như một số dạng của hội chứng Ehlers-Danlos, các rối loạn dẫn đến dị dạng mạch máu trong hội chứng Rendu-Osler-Weber hoặc trong các rối loạn chảy máu khó cầm như như hemophilia và bệnh giảm huyết khối Glanzmann. Các nguyên nhân hiếm gặp khác của tràn máu màng phổi: u sợi thần kinh loại 1 và rối loạn tạo máu ngoài tủy.

Tràn máu màng phổi theo chu kỳ kinh nguyệt

Lạc nội mạc tử cung hiếm khi gây tràn máu màng phổi.[13] Mô nội mạc tử cung lạc lên trên bề mặt màng phổi có thể bị chảy máu do phản ứng với những thay đổi nội tiết tố của chu kỳ kinh nguyệt, gây ra hiện tượng tràn máu màng phổi theo chu kỳ kinh nguyệt do lạc nội mạc tử cung ở ngực.[13] Có thể đi kèm với tràn khí màng phổi, ho ra máunốt mờ phổi đơn độc do lạc nội mạc tử cung.[14] Tràn máu màng não chiếm 14% các trường hợp hội chứng lạc nội mạc tử cung ở ngực [15] trong khi tràn khí màng phổi chiếm 73%, ho ra máu chiếm 7% và nốt mờ đơn độc ở phổi chiếm 6%.[13]